Các nguyên tắc an toàn vận hành cầu trục cần biết

Đăng ngày 27/08/2024 lúc: 14:53

Cầu trục là một thiết bị nâng không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, giúp nâng hạ và di chuyển hàng hóa nặng. Tuy nhiên, khi vận hành cầu trục, người lao động cần đảm bảo tuân thủ các quy trình an toàn, tránh các nguy cơ tai nạn có thể xảy ra, gây thiệt hại cho con người và tài sản.

Cầu trục là gì?

Cầu trục là loại máy trục có kết cấu giống chiếc cầu có bánh xe lăn trên đường ray chuyên dùng. Nó được dùng phổ biến để nâng chuyển vật nặng trong phân xưởng và nhà kho. Theo dạng kết cấu thép của cầu trục, người ta chia thành cầu trục một dầm và cầu trục hai dầm.

Cầu trục (Overhead crane), là một thiết bị nâng hạ cực kỳ quan trọng trong các nhà máy và xưởng sản xuất. Nó được thiết kế để thực hiện việc di chuyển và nâng hạ hàng hóa có tải trọng lớn  trong môi trường làm việc, giúp tăng hiệu quả và độ an toàn cho các công đoạn sản xuất..

Những quy định chung về kỹ thuật an toàn khi sử dụng cầu trục

Cầu trục là một loại thiết bị nâng. Đối với các thiết bị nâng, chuyển cần có các biện pháp an toàn sau:

  • Việc vận chuyển nội bộ trong xí nghiệp và phân xưởng phải được hết sức coi trọng an toàn. Đối với việc vận chuyển mặt đất, các đường vận chuyển khi xây dựng phải để ý tới đặc điểm trọng lượng và kích thước của phôi liệu, sản phẩm và phải phù hợp với phương tiện vận chuyển cơ giới thô sơ. Tất cả các vật liệu phải chuyên chở, nếu có trọng tâm cao thì phải được chằng buộc cẩn thận. Các phôi hay sản phẩm hình tròn, hình ống khi chất hàng cần có giỏ hoặc thùng bao đựng. Đối với các chi tiết cồng kềnh nên vận chuyển vào thời gian nghỉ làm việc của công nhân.
  • Đường vận chuyển thường xuyên trong phân xưởng không được cắt đường công nghệ sản xuất theo dây chuyền và phải có đủ chiều rộng. Việc điều khiển, ra tín hiệu vận chuyển và bốc dỡ hàng nặng phải do những người đã được huấn luyện chuyên môn về kỹ thuật và an toàn thực hiện.
  • Cầu trục cần phải được thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật. Các móc phải có các chốt hàm cáp hoặc xích. Việc treo móc phải cân bằng, đúng trọng tâm của vật và không được treo móc lệch. Khi các kiện hàng được móc cẩu phải treo tín hiệu, đèn báo cảnh giới. Cấm cẩu móc hàng di chuyển trên khu vực có công nhân đang làm việc. Việc chằng buộc cáp vào móc phải thực hiện đúng kỹ thuật.
  • Chọn cáp, dây xích, phanh, chọn vị trí đặt cẩu, chọn tải trọng và tầm với của cẩu cho phù hợp. Chú ý tầm với và đường chuyển động của cẩu để không vướng các đường dây điện.
  • Chỉ cho phép những người chuyên trách đã được huấn luyện mới được điều chỉnh cầu trục. Cấc loại cầu trục khi sử dụng đều phải có lý lịch và quy định rõ quy trình vận hành an toàn.
  • Thường xuyên kiểm tra máy, thử máy.
Các nguyên tắc an toàn vận hành cầu trục
Các nguyên tắc an toàn vận hành cầu trục

Những quy định chi tiết về an toàn khi vận hành cầu trục.

Trước khi vận hành

Nhận ca

– Hỏi trực tiếp công nhân vận hành ca trước xem thiết bị trong ca hoạt động có vấn đề gì không? Công việc có gì tồn đọng cần phải làm tiếp không?

– Kiểm tra xem trong sổ bàn giao ca nội dung của các ca trước làm việc có vấn đề gì không? Nếu có vấn đề thì đã được xử lý chưa? Có phải chú ý vấn đề gì không?

Kiểm tra tĩnh các thiết bị

a/ Kiểm tra thiết bị cơ

– Kiểm tra cáp nâng hạ của cả móc lớn và móc con có bị lệch ra khỏi tang quấn, có bị xếp vắt chéo lên nhau trên tang quấn không? Có bị tuột ra khỏi Puly ở cả puly trên lẫn puly dưới không? Puly có bị vỡ cạnh không?

– Kiểm tra cáp, tang quấn của palang trên xe con xem có vấn đề gì không?

– Kiểm tra cáp thép dùng nâng hạ móc xem có bị xước hay bị vặn xoắn không, cáp có bị khô hay không?

–  Kiểm tra độ tiếp xúc của má phanh xem có mòn, sát trục không hay có bị hở quá không, guốc phanh có bị siêu vẹo không? Các chốt có bị tuột không?

– Kiểm tra giảm chấn xe lớn, xe con

– Kiểm tra bulong bắt chân đế động cơ xe lớn, xe con, móc xem có vấn đề gì không?

– Kiểm tra các khớp nối giữa trục động cơ với hộp giảm tốc, bulong, đai ốc. Quan sát xem có vật lạ làm cản trở đến chuyển động của xe cầu, xe con…, kiểm tra các cơ cấu che chuyển động quay tránh tai nạn, đặc biệt tại xe lớn…

– Kiểm tra các hộp giảm tốc, động cơ xem có vấn đề gì bất thường hay không? Có tình trạng rò dầu không?

– Kiểm tra bánh xe lớn, bánh xe con xem có bị vỡ cạnh, có bị mòn quá hay không?

– Kiểm tra bi bánh xe lớn và xe con xem có vấn đề gì không?  (Nếu bi bị vỡ sẽ gây ra tình trạng bánh xe bị lệch sang một bên hoặc có tiếng kêu khác thường).

– Kiểm tra xem cóc bắt ray xe con và xe lớn trong phạm vi di chuyển của  cầu trục xem có vấn đề gì bất thường không?

– Kiểm tra các cóc và khóa bắt cáp thép ở tang quấn và ở đòn gánh cân bằng xem có bị lỏng hay có gì bất thường không?

– Kiểm tra đường ray xe lớn của cầu trục xem có vật cản ảnh hưởng đến đường di chuyển của xe lớn hay không?

b/ Kiểm tra thiết bị điện

-Quan sát trong các tủ điện, dàn trở khởi động… xem có gì bất thường không như: thiết bị không được bắt chắc chắn, ám khói do phóng điện…

-Kiểm tra con lăn dẫn hướng cáp điện trên xe lớn cầu trục (puli) xem có bị trật khỏi ray hay siêu vẹo không, dây chống căng cáp lực có bị đứt, rối hay không? Cáp điện có xếp lớp bình thường không, có bị tróc vỡ vỏ cáp …

– Kiểm tra hệ thống dao điện: kiểm tra dao điện, sứ đỡ dao, bulong bắt dao điện xem có vấn đề gì không.

Kiểm tra động thiết bị

– Kiểm  tra chiều hoạt động của cầu trục (xe lớn, xe con, móc lớn, móc con) với chiều tay điều khiển tương ứng xem có đúng không?

>>> Xem thêm: Nguyên tắc an toàn vận hành xe nâng

Trong khi vận hành

– Khi vận hành cần chú ý các nút ấn điều khiển của từng động tác, để khi vận hành không bị nhầm lẫn và xử lý linh hoạt khi bị sự cố.

– Không được sử dụng hạn vị trên để dừng móc lớn hoặc móc con tránh trường hợp hạn vị hỏng dẫn đến puly móc chạm vào dầm xe con có thể dẫn đến rơi thiết bị đang cẩu xuống phía dưới.

– Trước khi di chuyển xe lớn, xe con hoặc nâng, hạ móc phải  thông báo cho mọi người xung quanh biết bằng tín hiệu còi. Thường xuyên quan sát các chướng ngại vật có thể xuất hiện, đặc biệt là với xe lớn, móc.

– Khi vận hành cấm để người đứng trên cầu trục, trường hợp đặc biệt phải kiểm tra thì những người đứng trên cầu trục phải ở vị trí an toàn chắc chắn, trao đổi thông tin tốt với người vận hành.

– Trong khi di chuyển vật cẩu, không để vật va chạm vào các kết cấu hoặc công trình xung quanh và luôn giữ cân bằng cho vật cẩu.

– Không cẩu vật vượt qua đầu người và thiết bị quan trọng. Tuyệt đối không được cẩu người.

– Nếu chuyển động không tải thì phải nâng móc cao hơn chướng ngại vật 2(m). Người vận hành phải luôn chú ý tới đường đi không để vướng vấp.

-Nếu người vận hành cầu trục phát hiện có người đi lại gần vật tải đang lơ lửng thì phải báo cho họ tránh xa hoặc phải lái cho vật tránh xa họ, nếu có thể

– Khi cẩu vật có trọng lượng 80% – 100% tải thiết kế thì phải cẩu bằng tốc độ chậm và khi nâng vật lên cách mặt đất 300 (mm) phải dừng lại để thử phanh, nếu an toàn thì cẩu tiếp.

-Cấm cẩu xiên, cẩu với, cấm dùng cầu trục để kéo các loại xe, lê kéo các vật khác.

-Cấm cẩu quá tải quy định, không cẩu những vật khi chưa biết tải trọng hoặc những vật dính kết với mặt đất (như nhổ cọc vv…)

– Khi vận hành, nếu phát hiện những vấn đề nghi vấn về tình trạng cầu trục cần báo ngay cho những người có trách nhiệm để xử lý.

– Khi di chuyển móc xuống vị trí thấp gần mặt đất hoặc gần chướng ngại vật phía trước hoặc khi di chuyển móc lên độ cao gần sát đỉnh, phải giảm tốc độ và chú ý dừng để đảm bảo khoảng cách an toàn cho móc và cầu trục.

– Chỉ được di chuyển vật khi vật đang ở vị trí tương đối cân bằng.

– Trong quá trình cẩu, người vận hành phát hiện cầu trục bị hỏng, có tiếng kêu lạ từ động cơ, trống cáp, hộp số…, có mùi khét, khói từ động cơ và các hiện tượng lạ khác thì phải dừng cẩu để kiểm tra đồng thời báo cho người có trách nhiệm để giải quyết, cùng nhau lập biên bản. Sau khi có biên bản bàn giao thiết bị thì người vận hành cẩu trục mới được phép vận hành.

– Khi cầu trục bị sự cố không di chuyển được gây ảnh hưởng đến sản xuất thì phải dùng cầu trục khác đẩy ra vị trí không làm ảnh hưởng đến sản xuất. Khi đó cầu trục bị sự cố phải thu hết móc lên đảm bảo an toàn khi di chuyển, yêu cầu bộ phận liên qua chỉnh nhả phanh xe lớn=> sau khi xong có thể yêu cầu cầu trục bên cạnh đẩy nhưng chỉ đẩy ở tốc độ thấp nhất tránh trường hợp đẩy nhanh quá không khống chế được tốc độ.

– Trong ca làm việc, CNVH cầu trục phải thường xuyên phối hợp với công nhân các tổ: Bảo trì cầu trục, công nhân cơ – điện đi ca, công nhân các tổ khác khi phối hợp làm việc để thường xuyên kiểm tra tình trạng thiết bị (giống như mục kiểm tra trước khi vận hành) đề phòng các nguy cơ đứt tuột cáp, xước cáp, nứt hỏng các mối hàn, các vị trí chịu lực như chốt,…

Sau khi vận hành

– Đỗ cầu  trục ở vị trí hợp lý: Vị trí ít thiết bị, ở vị trí ít người làm việc, vị trí không ảnh hưởng tới sự làm việc của các thiết bị khác.

– Nâng móc lớn, móc con lên vị trí đảm bảo không ảnh hưởng tới sự di chuyển của các thiết bị phía dưới.

– Khi CNVH được điều động sang vị trí làm việc khác, không vận hành cầu trục, không bàn giao được cho CNVH khác thì phải ngắt điện và thao tác ấn nút dừng khẩn cấp, tắt thiết bị phụ trợ: Điều hoà, quạt, đèn chiếu sáng… trên cầu trục. Đỗ cầu trục tại vị trí không vướng các thiết bị khác.

Khi hết giờ làm việc phải vệ sinh ca bin, sàn đi lại trên xe cầu. Kiểm tra lại thiết bị cầu trục xem có vấn đề gì không trước khi giao ca.

– Chờ người ca sau đến bàn giao lại cầu trục cho ca sau. Không được tự ý bỏ vị trí khi chưa có người nhận ca. Trường hợp hết ca mà không có người nhận ca thì báo cho tổ trưởng biết để điều tiết.

– Ghi sổ và bàn giao ca đầy đủ diễn biến trong ca và tình trạng thiết bị khi bàn giao.

Kết luận

Trên đây là bài viết tổng hợp về các nguyên tắc an toàn vận hành cầu trục. Bài viết được tham khảo trong tài liệu: “Kỹ thuật an toàn trong vận hành thiết bị nâng” của tác giả Nguyễn Quốc Mỹ.Thông qua bài viết này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp người đọc có thêm kiến thức về vận hành cầu trục an toàn.

Việc tuân thủ các quy định và hướng dẫn an toàn, sử dụng các thiết bị bảo hộ và nâng cao ý thức về an toàn là những yếu tố cần thiết để bảo vệ con người và tài sản trong quá trình vận hành cầu trục. Hãy nhớ rằng, an toàn không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân mà là trách nhiệm chung của tất cả mọi người trong tổ chức.

Ngoài ra, chúng tôi có các khóa học đào tạo cấp chứng chỉ vận hành cầu trục, khóa huấn luyện an toàn vận hành cầu trục tại Hà Nội, Hải Dương, HCM, Nghệ An,… cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu đào tạo.

Mọi thông tin  chi tiết anh/ chị xin vui lòng liên hệ:

ĐT, Zalo: 0986 679 105 (Ms Thơm)

Email: thom.viendaotao@gmail.com

Website: daotaocapchungchi.vn

Youtube: Đào tạo cấp chứng chỉ

Về Tác giả

Tư vấn viên
Tư vấn các khóa học: Đào tạo nghề vận hành xe nâng, vận hành máy xúc, vận hành nồi hơi, vận hành cầu trục,....; Khóa học kế toán trưởng; Vận hành nhà chung cư; An toàn lao động; Phòng cháy chữa cháy; Nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu.
Xem thêm
Contact Me on Zalo
0986.679.105